22/8/13

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua


Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập siêu 7 tháng đầu năm của cả nước chỉ ở mức 277 triệu USD,thấp hơn so với con số ước nhập siêu 733 triệu USD được Tổng cục Thống kê công bố trước đó.
Thủ tướng phê chuẩn hàng loạt nhân sự các tỉnh
Cụ thể, tại Quyết định1353/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Văn Tỏ, Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ; ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính.
Với thành phố Cần Thơ, tại Quyết định1351/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Minh Kha, Đại tá, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Với thành phố Tây Ninh, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Võ Văn Thi, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh.
Với thành phố Hậu Giang, tại Quyết định 1420/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đặng Văn An, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang.
Với thành phố Vình Phúc, tại Quyết định 1403/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phùng Sỹ Tấn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc.
Với thành phố Kiên Giang, tại Quyết định 1401/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Ngô Quang Thắm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang.
Đề nghị cho phép cá cược từ 10.000 đồng đến 1 triệu đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế .
Trình bày tờ trình dự thảo nghị định, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nghị định này quy định về việc tổ chức hoạt động, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam.
Dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế giới hạn mức đặt cược tối thiểu cho một lần đặt cược là 10 ngàn đồng, tối đa 1 triệu đồng.
Nếu người chơi đặt cược vượt mức tối đa theo quy định thì số tiền đặt cược vượt mức sẽ không được lĩnh thưởng
TP.HCM muốn tách 13 quận thành chính quyền riêng biệt
UBND Tp.HCM vừa hoàn tất dự thảo đề án xây dựng chính quyền đô thị để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo cơ quan này, với diện tích gần 2.100 km2, gồm 19 quận và 5 huyện với dân số gần 10 triệu người, Tp.HCM là một trong 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Hiện thành phố này cũng là trung tâm kinh tế - xã hội, đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Hai cấp chính quyền sẽ được phân thành cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, phường, thị trấn và thành phố hoặc thị xã. Riêng địa bàn đô thị của 13 quận nội thành chỉ có một cấp chính quyền.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang tiến tới mốc 1.900 USD
Với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân đạt 14%/năm, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ năm 2008 đã vượt qua mốc 1.000 USD. Nếu tính thêm yếu tố giảm giá của đồng USD, thì từ năm 2010 Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp).
GDP bình quân đầu người tăng lên, nên tổng quy mô GDP của cả nước tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân cũng đã đạt quy mô khá và tăng liên tục qua các năm (năm 2005 đạt 54,7 tỷ USD, năm 2006 đạt 66,3 tỷ USD, năm 2007 đạt 77,4 tỷ USD, năm 2008 đạt 97,5 tỷ USD, năm 2009 đạt 99,8 tỷ USD, năm 2010 đạt 110,7 tỷ USD, năm 2011 đạt 133,1 tỷ USD, năm 2012 ước đạt 155,3 tỷ USD).
Nhập siêu 7 tháng chỉ 277 triệu USD
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2013 đạt 22,82 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu 7 tháng đạt 73,32 tỷ USD, tăng 15,2% so với kết quả thực hiện của 7 tháng năm 2012, tăng tương ứng 9,67 tỷ USD về mặt số tuyệt đối.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 73,55 tỷ USD, tăng 15,2% so với kết quả thực hiện của 7 tháng năm 2012, tương ứng tăng 9,66 tỷ USD về mặt số tuyệt đối.
Như vậy, nhập siêu 7 tháng đầu năm của cả nước chỉ ở mức 277 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số ước nhập siêu 733 triệu USD được Tổng cục Thống kê công bố trước đó.
Tổng vốn đầu tư của kiều bào về nước đạt 8,6 tỷ USD
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Đến nay, đã có 51/63 tỉnh (thành phố) có dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 3.600 doanh nghiệp, tổng số vốn đầu tư khoảng 8,6 tỷ USD.
Phần lớn tập trung vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản.
Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đã mang những dự án đầu tư lớn về cho đất nước, họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn tại Việt Nam như Techcombank, VPbank; trong các dự án như VinGroup, SunGroup, Melinh Plaza, Eurowindow, Masan, Eden Dalat Resort, Furama...
M&A Việt Nam tăng trưởng 65%/năm
Trong 5 năm qua, giá trị các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp Việt Nam tăng gần 5 lần và đạt xấp xỉ 5 tỷ USD vào năm 2012.
Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, M&A là một giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp và hệ thống tài chính ngân hàng.
Thực tế tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay ước đạt 14,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 65%/năm trong giai đoạn 2009-2012.
Trong năm 2012 và quý I/2013, 10 thương vụ M&A chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đạt giá trị hơn 3,2 tỷ USD; 10 thương vụ M&A lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước đạt gần 1,1 tỷ USD.
Công Vân
Theo Trí Thức Trẻ
 

'Kinh tế Việt Nam sẽ có bước tiến lớn năm 2014'

(Theo Vnexpress.net)
Theo Wall Street Journal, Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu thoát khỏi khó khăn kinh tế, trong khi phần lớn các thị trường mới nổi khác chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tốc độ tăng trưởng ì ạch của Trung Quốc.
Tạp chí này nhận định xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng và tình hình kinh tế nói chung ở Việt Nam đều đang khởi sắc. Trong khi đó, Chính phủ dần lấy được niềm tin của người dân khi có những bước đi vững chắc để khắc phục hàng loạt vấn đề, vốn kéo tụt tăng trưởng năm ngoái xuống thấp nhất 13 năm.
Doanh số bán ôtô tháng trước đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm cũng tăng 14,3%. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ các công ty công nghệ cao, tăng 6,4% trong cùng thời kỳ, lên 6,65 tỷ USD.
Tăng trưởng tín dụng cũng bắt đầu khởi sắc khi Chính phủ thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) để mua lại nợ xấu từ hệ thống ngân hàng. Tín dụng đã tăng 5,15% trong 7 tháng đầu năm, cao hơn nhiều mức 0,3% trong ba tháng đầu. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn dưới mục tiêu 12% năm 2013 của Chính phủ.
Viet-Nam-JPG-1376475421_500x0.jpg
Kinh tế Việt Nam được dự đoán đang khởi sắc. Ảnh: Anh Quân
Các nhà đầu tư cũng đang nhận thấy sự cải thiện này, Wall Street Journal nhận định. Chỉ số VN-Index đã tăng 20% năm nay, khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường tốt nhất châu Á, khi các nước lớn trong khu vực vật lộn với mức tăng một chữ số.
Tạp chí này cho rằng Việt Nam là minh chứng cho việc một thị trường sơ khai vẫn có thể tăng trưởng ấn tượng khi các nền kinh tế mới nổi đang ì ạch. Chỉ số MSCI Frontier Markets theo dõi 32 thị trường sơ khai trên thế giới đã tăng 14% trong năm nay, bất chấp lo ngại về nhu cầu giảm tại Trung Quốc và viễn cảnh Mỹ thu hẹp quy mô gói kích thích tiền tệ. Đây là nguyên nhân khiến giá tài sản tại các thị trường mới nổi lao dốc những tháng gần đây.
Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng có nhiều dấu hiệu bình ổn. GDP tăng 5% trong quý II, nhỉnh hơn so với 4,8% cùng kỳ năm ngoái. Giới chức Việt Nam và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng tốc độ này sẽ còn cao hơn nữa.
Ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Dù vẫn còn sớm để đưa ra bất kỳ số liệu dự báo nào cho quý III, nền kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn trong quý này". GDP Việt Nam năm nay được dự đoán tăng 5,5%, cao hơn 5,03% năm ngoái.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng và đầu tư nước ngoài, với gần một tỷ USD mỗi tháng, sẽ củng cố đà tăng này đến cuối năm.
Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Chính phủ đang phải vật lộn hồi sinh thị trường nhà đất và xây dựng sau khi bong bóng bất động sản xì hơi, khiến vấn đề nợ xấu càng thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, sau hàng tháng trì hoãn, VAMC cũng chính thức hoạt động vào tháng 7. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa bắt đầu mua nợ xấu, khiến các ngân hàng lo ngại cho vay thêm trong bối cảnh nợ xấu chiếm tới 15% tổng tín dụng, theo dự báo từ hãng đánh giá tín nhiệm Fitch.
Quá trình cải cách các công ty nhà nước lớn vẫn chưa có nhiều tiến triển. Rất nhiều doanh nghiệp trong số này có khối nợ khổng lồ từ thập kỷ trước khi cố gắng mở rộng sản xuất để cạnh tranh với công ty nước ngoài. Điển hình là việc Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) gần như sụp đổ năm 2008 với khối nợ hơn 4 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng bày tỏ lo ngại về việc Chính phủ cắt giảm lãi suất quá mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất hai lần trong năm nay, mỗi lần 1%. Tuần trước, đại diện của IMF cũng thúc giục các nhà hoạch định chính sách nên tập trung kiềm chế lạm phát sau nhiều lần giá cả tăng vọt những năm gần đây.
Tuy nhiên, các dấu hiệu phục hồi cũng đang khiến giới phân tích lạc quan rằng kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Công ty quản lý tài sản đang chuẩn bị mua lại các khoản nợ, trong khi Chính phủ cũng tung gói tín dụng 1,4 tỷ USD để hỗ trợ mua nhà giá rẻ. Việc này được kỳ vọng hồi sinh phần nào thị trường bất động sản, Michael Kokalari - chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết.
Theo đó, nhà đầu tư có thể sớm tham gia vào thị trường Việt Nam. Chính phủ cũng đang cân nhắc nâng trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết lên 59%, từ 49% hiện tại. Việc này sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn. "Việt Nam sẽ có bước tiến lớn trong năm 2014", Kokalari cho biết.
Thùy Linh

Nhà đầu tư ngoại quan tâm tới nợ xấu Việt Nam

Khối ngoại có để mắt tới nợ xấu Việt Nam nhưng quá trình này còn nhiều rào cản, nhất là khi khoản vay, tài sản thế chấp đánh giá chưa đúng chuẩn quốc tế, theo ông Robert Young, Giám đốc Dịch vụ tư vấn các tổ chức tài chính Deloitte.
  'VAMC mua 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong 2 tháng tới'
Theo ông, với sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Việt Nam sẽ mất bao lâu để xử lý nợ xấu?  

- Việc xử lý nợ xấu nhanh hay chậm phụ thuộc vào 3 yếu tố: các chỉ số kinh tế vĩ mô có tốt lên hay không, thị trường bất động sản có phục hồi nhanh không, Việt Nam có nỗ lực thay đổi hệ thống pháp lý để giúp VAMC và các ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu hay không.
Robert-Young-1376882996_500x0.jpg
Ông Robert Young.
Vậy theo kinh nghiệm của ông, sau khi mua lại các khoản nợ xấu, VAMC nên xử lý các khoản nợ xấu này thế nào cho hiệu quả?

- Theo tôi, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là phải nghiên cứu kỹ từng khoản nợ, kế hoạch kinh doanh, khả năng phục hồi của con nợ cũng như khả năng thu hồi vốn của từng ngân hàng.

Từ việc phân tích kỹ càng đó, VAMC sẽ có chiến lược đối với toàn bộ danh mục khoản nợ xấu mà VAMC sẽ mua về.

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng để xử lý nợ xấu là chất lượng nguồn nhân lực của VAMC. Để có thể xử lý nợ xấu thành công, VAMC phải có đội ngũ nhân lực đủ khả năng và có được sự huấn luyện cần thiết.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, một trong những yếu tố để xử lý nợ xấu thành công là phải tạo lập được thị trường mua bán nợ xấu quốc tế. Vậy Việt Nam cần làm gì để tạo lập được thị trường này?

- Theo tôi, yếu tố cơ bản đầu tiên mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mua nợ xấu là Việt Nam có hành lang pháp lý phù hợp không.

Cụ thể là những đạo luật, những quy định liên quan đến tái cơ cấu, phá sản doanh nghiệp, cưỡng chế thu hồi tài sản cần rõ ràng để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rằng khi đầu tư vốn vào thì có thể thu hồi được vốn và có lợi nhuận.

Yếu tố thứ hai là quy mô thị trường mua bán nợ phải đủ lớn. Quy mô của thị trường không chỉ thể hiện ở số lượng nợ xấu chúng ta ước lượng, mà còn ở quyết tâm của VAMC và các ngân hàng thương mại trong việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư.

Vậy theo ông, hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài có thực sự quan tâm và sẵn sàng mua nợ xấu tại Việt Nam? 

- Tôi đã trao đổi với nhiều quỹ đầu tư và họ tỏ ra rất quan tâm.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì ngay để thu hút nhà đầu tư nước ngoài?

- Hệ thống pháp lý của Việt Nam phải thay đổi theo hướng rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch và ổn định. Có vậy, nhà đầu tư nước ngoài mới có thể tham gia quá trình mua bán nợ xấu tại Việt Nam.

Hệ thống kế toán và báo cáo tài chính của Việt Nam căn cứ chủ yếu vào giá trị sổ sách, chứ không phải là giá trị thị trường, do đó việc đánh giá, lập dự phòng các khoản vay và tài sản thế chấp còn chưa theo quy chuẩn báo cáo tài chính quốc tế.

Do đó, sẽ có sự khác nhau trong định giá khoản nợ xấu giữa bên mua và bên bán. Đó là thách thức lớn nhất đối với giao dịch mua - bán nợ.

Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt với vấn đề này khi xử lý nợ xấu và họ đã xử lý thành công, nên Việt Nam không phải quá lo lắng về vấn đề này.
Theo Đầu Tư

Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu nhựa, thép

Nhựa nhập khẩu loại polyester chưa bão hòa đề xuất chịu thuế nhập khẩu 5%, thay vì mức 0-3% hiện nay. Mức thu đối với thép dây, thép cây tăng từ 0% lên 10%.
Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế như trên và công bố lấy ý kiến doanh nghiệp vào ngày 21/8/2013. Việc tăng thuế này dựa trên kiến nghị của một số doanh nghiệp nhựa và thép trong nước.
Doanh nghiệp nhựa cho rằng nhập khẩu nhựa đã bị khai báo là polyester “dạng khác” để hưởng thuế suất 0%, tạo cạnh tranh không lành mạnh, nên đã kiến nghị tăng thuế lên mức 6% để bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Bộ Tài chính cũng nhận thấy mặt hàng polyester nói trên chỉ có dạng “lỏng hoặc bột nhão” (thuế suất 3%), nhưng thực tế khai báo hải quan có cả dạng “mảnh vỡ” và “dạng khác” (thuế suất 0%). Bộ nhận định khai báo này có thể nhằm gian lận thương mại nên dự kiến tăng thuế để vừa bảo hộ sản xuất nội địa vừa chống gian lận.
Về mặt hàng thép, hiện có bốn mã hàng khác nhau dù đặc tính tương tự nhau, trong đó một mã hàng chịu thuế suất 10% do trong nước đã sản xuất được, ba mã hàng thuế suất 0% và các doanh nghiệp nhập khẩu luôn khai báo theo mã có thuế 0%. Bộ cho rằng, doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được thép ở ba mã hàng này nên cần tăng thuế để bảo hộ sản suất trong nước.
Theo PL TPHCM

Tiếp tục siết quy định với hàng tạm nhập tái xuất


Trước việc doanh nghiệp làm thủ tục tái xuất khỏi Việt Nam nhưng lại đưa hàng quay ngược trở lại để buôn lậu, trốn thuế, Bộ Tài chính yêu cầu siết chặt nữa hàng nhập từ nước ngoài gửi vào kho ngoại quan.

Kho ngoại quan là kho lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan chờ xuất khẩu cũng như hàng hóa từ nước ngoài chờ xuất ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thủ tục hải quan và chế độ quản lý kho ngoại quan đơn giản hơn hình thức tạm nhập tái xuất nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng để buôn lậu, trốn thuế. 

Cơ quan quản lý cho hay, gần đây có tình trạng hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất sau khi tái xuất ra khỏi Việt Nam nhưng thực tế, lại không làm thủ tục nhập vào Trung Quốc mà đưa hàng quay ngược trở lại nội địa. Hành vi này nhằm buôn lậu, trốn thuế hoặc lợi dụng để đưa hàng vào Trung Quốc mà không phải làm thủ tục hải quan tại nước này. 
Mới đây là trường hợp của Công ty TNHH Tuấn Đông tạm nhập 36 xe ôtô từ Hong Kong (Trung Quốc). Sau khi làm thủ tục tái xuất, những chiếc xe này được gắn biển lậu Trung Quốc để thẩm lậu vào thị trường nội địa Trung Quốc. Nguồn tin từ Bộ Tài chính cũng lấy ví dụ trường hợp thẩm lậu 125.000 bao thuốc lá ngoại (Esse, 555, Camel) tạm nhập từ Singapore. Theo đó, sau khi xong thủ tục tái xuất, các đối tượng buôn lậu dùng xuồng siêu tốc đưa quay trở lại Việt Nam để thẩm lậu vào nội địa. Cả hai trường hợp, theo Bộ Tài chính, đều đã được Cục cảnh sát Kinh tế điều tra, phát hiện.
Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu, hàng hóa đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan phải được kiểm tra thực tế. Hình thức, mức độ kiểm tra do Chi cục trưởng quản lý kho ngoại quan quyết định. 
Trước đó, hồi tháng 7, Bộ Tài chính cũng gửi đề xuất lên Chính phủ cho phép tạm dừng làm thủ tục đưa hàng từ nước ngoài vào kho ngoại quan với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như: rượu, bia, xì gà, thuốc lá điếu, ôtô du lịch dưới 24 chỗ ngồi và các mặt hàng được áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan như: đường, muối, trứng, gia cầm. 
Thanh Thanh Lan

Sắp có công cụ chặn chuyển giá


Một số cán bộ ngành thuế cho biết, khó khăn lớn nhất trong chống chuyển giá là xác định được giá thị trường, giá giao dịch độc lập. Do đó, APA sẽ là công cụ hỗ trợ rất đắc lực cho công tác chống chuyển giá ở Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Chính phủ đang thực hiện thí điểm APA đối với Samsung và một số doanh nghiệp FDI khác. Samsung thực hiện kê khai số liệu chi phí, giá thành, giá bán tạo nên lợi nhuận tại Việt Nam được 3 năm. Tuy nhiên, việc thực hiện phương pháp này mới ở giai đoạn thí điểm, chưa có thỏa thuận ký kết nên chưa ảnh hưởng đến kết quả nộp thuế.

Việc bổ sung cơ chế APA tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, khai thác hiệu quả bảo vệ nguồn thu trên cơ sở doanh nghiệp đa quốc gia được hưởng ưu đãi đầu tư, được tiếp cận và khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính với xã hội.

Cách thức áp dụng này đã được đề cập tại Nghị định 83/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một só điều của Luật Quản lý thuế. Để thúc đẩy việc áp dụng phương pháp này, Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc áp dụng APA trong quản lý thuế.

APA được áp dụng trên nguyên tắc cơ quan thuế và người nộp thuế (là đối tượng áp dụng của APA) hoặc cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế là đối tác ký kết Hiệp định thuế và người nộp thuế cùng hợp tác trao đổi, đàm phán về việc áp dụng các quy định pháp luật về thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các giao dịch liên kết trên cơ sở áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập theo giá thị trường khách quan.

APA có hai hình thức là đơn phương và song - đa phương. APA đơn phương được đàm phán và ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam và người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng quy chuẩn này. APA song phương, đa phương được đàm phán và ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam và một hoặc nhiều cơ quan thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng trên cơ sở Hiệp định thuế.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam

Xử lý hàng trăm xe sang Việt kiều hồi hương

(Theo Vnexpress.net)
Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo Cục Hải quan Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh thực hiện đúng quy định lưu kho bãi với xe Việt kiều hồi hương đang tồn đọng tại các cảng. Theo đó, Tổng cục yêu cầu trong 5 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, Cục Hải quan các tỉnh, thành phải đăng thông báo trên các thông tin đại chúng, báo cho người nhận tới làm thủ tục. "Tại thông báo phải nêu rõ trong 30 ngày, nếu không trực tiếp đến cơ quan Hải quan làm thủ tục thì được coi là hàng hóa từ bỏ và Hải quan xử lý theo quy định", Tổng cục Hải quan cho hay.
Trước đó, Hải quan thống kê, đến 30/5, có khoảng 178 xe ôtô, hầu hết sản xuất năm 2011, 2012 và 2013 đã về Việt Nam dưới dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương và đang tồn đọng tại cảng. Phần lớn, hồ sơ của những chiếc xe siêu sang này chưa đáp ứng được các quy định nên chưa thể làm thủ tục dứt điểm. 
Trong công văn số 789 ký ngày 19/8, Cục giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan kết luận một vài trường hợp cụ thể. Ví dụ như xe ôtô Lexus ES350 hồi hương của ông Nguyễn Xuân Nghiêm nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương. Theo đó, cơ quan này cho rằng ông Nghiêm đã xác nhận chuyến về Việt Nam vừa qua là thăm gia đình, mua xe về Việt Nam để sử dụng khi có mặt tại Việt Nam. Do đó, chiếc Lexus này không phải là tài sản di chuyển theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và không được nhập khẩu theo diện này.
Theo quy định, tài sản di chuyển được đăng ký lưu hành tại Việt Nam là tài sản cá nhân. Nếu vì những lý do chính đáng như không còn nhu cầu sử dụng, sức khỏe yếu, gia đình gặp khó khăn thì có thể chuyển nhượng và không phải làm thủ tục hải quan.
Ngân Hà