2/5/13

Cân nhắc lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu


Một trong những vấn đề nóng được nêu lên đối với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.
Một trong những quy định được người lao động quan tâm trong Bộ luật Lao động 2012 là mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tuy nhiên, dù đã có đến 10 lần điều chỉnh nhưng lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu trên. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng đây là một thực tế cần phải thừa nhận. Do đặc điểm lịch sử và điều kiện kinh tế xã hội nên hiện mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên, trong tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2013 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, nếu điều chỉnh ngay mức lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn, thậm chí có khả năng phá sản như doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công, khi đó người lao động sẽ mất việc làm.
“Vì vậy, trong điều kiện này cần phải cân nhắc lộ trình điều chỉnh mức lương tốithiểu cho phù hợp, bảo đảm có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.
Hiện Bộ LĐTBXH đã xây dựng phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu 4 vùng để có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động vào năm 2016 hoặc 2017. Trong quá trình thực hiện, nếu điều kiện kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhanh hơn lộ trình dự kiến.
Hạn chế nợ đóng, chậm đóng BHXH

Với quan điểm bảo vệ người lao động thì những quy định của Bộ luật Lao động khi đi vào thực tiễn sẽ giúp cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ngày một tốt hơn, tiến tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định. Trong lần sửa đổi này, vấn đề lao động trọn thời gian, giúp việc gia đình, cho thuê lại lao động,… đã quy định phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giúp người lao động có nhiều cơ hội lực chọn việc làm phù hợp với bản thân.
Một trong những vấn đề nóng được nêu lên đối với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao dộng.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), tính đến 31/12/2012, nợ đọng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là 4.639 tỷ đồng (trong đó, nợ BHXH bắt buộc là 4.274 tỷ đồng). Số nợ tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Mặc dù số nợ đóng, chậm đóng BHXH giảm 232 tỷ đồng so với năm 2011, tuy nhiên, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH vẫn tồn tại, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tình trạng trên có nhiều nguyên nhân.Thứ nhất, do mức phạt chậm đóng BHXH chỉ 9-10%, thường thấp hơn lãi suất vay ngân hàng cùng kỳ đã dẫn tới các doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt khi chậm đóng, nợ đóng để sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn nên nợ đóng, chậm đóng BHXH. Thứ ba là doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng cố tình không đóng.
"Hướng xử lý các trường họp này cũng phải rõ ràng. Đối với những đơn vị quá khó khăn thì tạo điều kiện cho họ chậm đóng BHXH. Những doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng BHXH để sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác thì cần phải nâng mức phạt cao hơn. Còn đối với các doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động mà chưa đóng thì phải phạt nghiêm", Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.
Về lâu dài, Bộ LĐTBXH kiến nghị khi xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) và pháp luật liên quan cần điều chỉnh mức lãi chậm đóng theo hướng cao hơn lãi suất vay ngân hàng cùng kỳ; áp dụng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; xử lý hình sự hành vi của cá nhân người sử dụng lao động cố tình trốn đóng BHXH hoặc đã trích tiền đóng của người lao động mà không đóng vào quỹ BHXH.
Theo Chinhphu.vn

Không ai tự nắm tóc nhấc mình lên được


Nam Long là một trong số ít công ty bất động sản tiếp cận được vốn quốc tế khá sớm. Điều này đã mang lại lợi thế lớn cho Tập đoàn trong việc phát triển quỹ đất.
36 căn nhà phố giá rẻ của dự án EHome 4 (Bình Dương) do Nam Long bán cách đây hơn 5 tháng đến nay đã có người ở. Năm ngoái, theo thông cáo báo chí của Nam Long, tập đoàn này chỉ mở bán khoảng 20 căn để thăm dò thị trường. Thế nhưng, với gần 500 khách đến dự lễ mở bán, Nam Long đã phải tăng gần gấp đôi lượng nhà bán ra. Lượng cung quá ít trong khi nhu cầu cao đã khiến cho 3 nhà phân phối là Savills Việt Nam, CBRE Việt Nam và sàn của Nam Long phải tranh nhau giành chỗ cho khách hàng.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long

“Lâu lắm mới thấy lại cảnh mọi người chen nhau mua nhà như vậy”. Đó là nhận xét của ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, khi chứng kiến cảnh tượng này.
Từ câu chuyện của EHome
Nhà phố giá rẻ chỉ là một phần câu chuyện về những sản phẩm nhà giá rẻ ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long, chia sẻ với chúng tôi trong một buổi chiều trên tầng 11 tòa nhà Tower Capital (quận 7, TP.HCM), nơi đặt tổng hành dinh của tập đoàn này.
Câu chuyện chính của ông Quang là sự ra đời và chiến lược phát triển dòng căn hộ giá rẻ EHome. EHome là dự án nhà ở với 3 tiêu chí: giá cả hợp lý, tiết kiệm (Economy); môi trường sống xanh, sạch (Ecology) và hiệu quả sử dụng cao (Efficiency), nghĩa là mỗi mét vuông của căn hộ đều được khai thác. Ông Quang không gọi sản phẩm của mình là căn hộ giá rẻ mà là nhà có giá vừa túi tiền.
Được thành lập vào năm 1992, với số vốn 700 triệu đồng, Nam Long là doanh nghiệp thuộc thế hệ những doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Bằng các dự án nhà phố và biệt thự như Nam Phú, Thảo Nguyên Sài Gòn, Kim Long, Ngân Long, Nam Thông, ông Quang đã đưa doanh nghiệp thành danh với thương hiệu “Nhà Nam Long”. Lúc ấy, nhà phố, biệt thự không phải là lĩnh vực nổi trội trên thị trường, mà là căn hộ, văn phòng cho thuê. Vì thế, cái tên Nam Long chưa thực sự nổi bật.
Năm 2008 trong khi cả thị trường đang trong cơn say căn hộ cao cấp, Nam Long lại tung ra dòng sản phẩm căn hộ giá rẻ EHome 1 với giá 10 triệu đồng/m2. Khi đó, nhiều người bảo rằng Nam Long có vấn đề. Tuy nhiên, một thời gian sau, thị trường bất động sản gặp khó khăn, dòng sản phẩm cao cấp bị thất sủng, căn hộ giá mềm bắt đầu lên ngôi. Với những dự án EHome liên tiếp được tung ra, người ta bắt đầu chú ý nhiều đến Nam Long.
“Chúng tôi đã vạch ra chiến lược này ngay từ năm 2005”, ông Quang cho biết. Từ năm 2007-2011, đã có 1.000 căn hộ EHome được Tập đoàn bàn giao cho khách hàng.
Ông Quang cho biết mình không ngại chuyện thương hiệu Nam Long chỉ được biết đến là nhà phát triển bất động sản giá mềm. “Cái gì mạnh hơn người khác thì mình làm. Nhà giá mềm là thế mạnh của chúng tôi hiện nay và có thể là trong 10 năm tới”, ông nói.
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng lợi nhuận từ việc đầu tư kinh doanh dòng sản phẩm giá rẻ không thể so được với dòng sản phẩm cao cấp, nhưng kết quả kinh doanh của Nam Long đã cho thấy điều ngược lại. Theo ông Quang, thông thường, mức lợi nhuận trên phân khúc căn hộ giá rẻ chỉ khoảng 10-15% nhưng với lợi thế khép kín, Nam Long đã tạo được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình. Hiện nay, Tập đoàn có 6 công ty con hỗ trợ, từ phát triển quỹ đất, thiết kế, xây dựng, chuyên móng cọc, quản lý dự án cho đến dịch vụ và hậu mãi.
Theo báo cáo thường niên, lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần của Nam Long trong 3 năm 2009-2011 lần lượt là 30%, 21% và 19%; lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 21%, 15% và 11%. Mặc dù tỉ suất lợi nhuận giảm đều qua từng năm, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có lãi, các con số này đã phần nào cho thấy sự ổn định của Nam Long.
“So với một số phân khúc bất động sản, hệ số lợi nhuận của Nam long với dòng căn hộ giá rẻ là không bằng, nhưng đầu tư vào Nam Long lại khá an toàn,” ông David Đỗ, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư VIG, một cổ đông của Nam Long, nhận xét.
Ông Quang cho biết tình hình sắp tới sẽ khả quan hơn với doanh thu dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm 2013 và 2014. Lý do là năm nay Tập đoàn sẽ ghi nhận doanh thu từ dự án Ehome 3 và Ehome 4 sau khi bàn giao cho khách hàng (Nam Long cho biết đã bán được khoảng 260 căn hộ ở EHome 3 và 140 căn nhà phố ở EHome 4).
Hai dự án này đang được tiêu thụ khá tốt nên sắp tới, Nam Long sẽ tiếp tục mở bán. EHome 3 có quy mô 2.000 căn hộ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014. EHome 4 cũng sẽ được tiếp tục đầu tư những hạng mục khác bên cạnh việc thi công 250 căn nhà phố còn lại. Tháng 7 tới, Tập đoàn sẽ tung ra dòng căn hộ ở dự án này (2.104 căn) với giá từ 450 triệu đồng/căn.
Năm tới, ông Quang cũng kỳ vọng sẽ lấy doanh thu từ những dự án bán được trong năm 2013 và phát triển tiếp dự án EHome 5 (quận 7) và EHome 6 (quận 9) để đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu.
Tuy nhiên, một thách thức cho Nam Long là nhà ở giá rẻ đang là xu thế và ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nhảy vào, tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ. Thế nhưng, ông Quang lại không mấy lo lắng. “Cạnh tranh luôn tốt cho thị trường nhưng phần thắng sẽ thuộc về người mạnh nhất. Lợi thế của chúng tôi là đi trước họ một thời gian khá xa, cả về trình độ công nghệ, thiết kế cho đến các giải pháp bán hàng”, ông nói.
Đến chiến lược kiềng ba chân
Xuất thân là kiến trúc sư, các kỹ năng cơ bản về xây dựng chắc hẳn ông Quang có đủ, nhưng để Nam Long có như ngày hôm nay, đó là nhờ quan điểm: “Nếu không có ngoại lực, bạn không thể tự nắm tóc và nhấc mình lên được”.
Chính quan điểm này đã đưa Nam Long từ một công ty gia đình, chuyển sang cổ phần và sau đó là bắt tay với tổ chức nước ngoài. 8 năm sau ngày thành lập, Nam Long đã chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ tăng gấp 78 lần so với ngày đầu thành lập.
Ba năm sau đó, Nam Long ký kết hợp tác với 2 đối tác chiến lược là Công ty Nam Việt (100% vốn của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs) và Quỹ ASPL (thuộc tập đoàn phát triển bất động sản Ireka của Malaysia). Đến năm 2010, Quỹ VAF, do Mekong Capital quản lý, đã trở thành cổ đông chiến lược của Nam Long với việc mua lại cổ phần thiểu số trị giá 9,1 triệu USD .
Sự có mặt của các tổ chức quốc tế này đã tạo nền tảng vững chắc cho Nam Long mà ông Quang gọi là kiềng ba chân: Tài chính của Mekong Capital và Goldman Sachs - Kinh nghiệm phát triển bất động sản quốc tế của Ireka - Quỹ đất cùng kinh nghiệm địa phương của Nam Long.
Nam Long là một trong số ít công ty bất động sản tiếp cận được vốn quốc tế khá sớm. Điều này đã mang lại lợi thế lớn cho Tập đoàn trong việc phát triển quỹ đất. Hầu hết các dự án của Nam Long đều được đầu tư bằng vốn chủ sở hữu, trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc khác của Việt Nam sử dụng vốn vay.
“Chúng tôi chỉ vay vốn để xây dựng những phần trên đất và chỉ vay với những dự án có đầu ra tốt”, ông Quang cho biết. Chính điều này đã giúp Nam Long ít chịu tác động bởi những đợt tăng lãi suất vừa qua. Tính đến ngày 30.9.2012, nợ vay ngắn hạn của Nam Long là 295 tỉ đồng và nợ vay dài hạn 186 tỉ đồng, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền là trên 130 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ đây có thể thấy một thách thức đặt ra cho ông Quang và ban lãnh đạo Nam Long: Tập đoàn có tới 14 dự án và quỹ đất lên đến 567 ha, nhưng vốn vay dài hạn rất ít so với vốn vay ngắn hạn. Vậy nguồn lực ở đâu để đảm bảo Nam Long triển khai các dự án thành công? Giải pháp của ông Quang là đưa doanh nghiệp niêm yết. Ông tiết lộ, sắp tới Nam Long sẽ huy động khoảng 25 triệu USD từ phát hành trái phiếu cũng như các kênh khác.
“Nam Long có thể huy động được số vốn này”, ông David Đỗ, Quỹ VIG, nhận xét. Theo ông, nhiều quỹ đầu tư quốc tế rất hứng thú với các doanh nghiệp phát triển bất động sản cấp thấp và trung bình. Một số quỹ như vậy từng thành công ở thị trường Brazil và Mexico đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.
Hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài sẽ có được và mất. Lợi ích từ việc hợp tác đã thấy rõ. Vậy Nam Long mất gì? Mối lo ngại của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là bị mất vai trò chi phối. Tuy nhiên, “tôi không quan trọng ai là người sở hữu. Cái tôi muốn là khuếch trương thương hiệu Nam Long”, ông nói. Thực tế, dù Nam Long là doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn nhiều so với nhiều tập đoàn bất động sản, nhưng tính đại chúng lại tốt hơn hẳn. Theo báo cáo tài chính, gia đình ông Quang (ông Quang và vợ) chỉ sở hữu chưa đến 24% cổ phần. 

Theo NCĐT

Điểm tin kinh tế, tài chính ngày 2/5/2013



 
Giá gas tiếp tục giảm
Giá gas tháng 5 tiếp tục giảm 17.000 đồng/bình 12 kg so với giá đầu tháng 4/2013
Gaigon Petro cho biết, từ ngày 1/5, giá bán gas SP giảm 1.417 đồng/kg(đã VAT), tương đương 17.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 4/2013. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khu vực Tp.HCM là 364.000 đ/bình 12 kg. Đây là tháng thứ 6 giá gas giảm liên tiếp theo giá thế giới, tổng cộng cả 6 lần giảm giá là 77.000 đ/bình 12 kg, tỷ lệ giảm chỉ hơn 17% so với giá gas cách đây 6 tháng. Trước đó, giá gas tháng 4 đã giảm 24.000 đ/bình 12 kg; giá gas tháng 3/2013 đã giảm 4.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 2/2013; giá tháng 2/2013 giảm 13.000 đ/bình 12 kg so với tháng 1/2013 giảm 7.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 12/2012; giá tháng 12/2012 giảm 12.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 11/2012.
Đề xuất cơ chế tự động điều chỉnh thuế xuất khẩu than
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (Vinacomin) đang đề xuất tới Bộ Tài chính cơ chế điều chỉnh thuế xuất khẩu than tự động tương ứng với giá than. Theo đó, nếu giá than bình quân (tính theo loại cám 11 AHG) dưới 75 USD/tấn, thì mức thuế suất xuất khẩu là 10%. Với giá từ 75 đến dưới 85 USD/tấn, thuế xuất khẩu là 15% và trên 85 USD/tấn, thuế xuất khẩu là 20%.
Theo Phó tổng giám đốc Vinacomin, hiện giá than xuất khẩu, sau khi trừ 10% thuế xuất khẩu, chỉ đủ bù đắp giá thành, không thể coi là một cứu cánh để bù đắp cho giá than bán cho điện thấp như trước đây.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm giảm
Trong 4 tháng đầu năm 2013, số khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 2,4 triệu lượt, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng giảm này đã có từ đầu năm và đến giờ vẫn chưa được cải thiện. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, đây là dấu hiệu giảm bất thường và đáng lo ngại.
Cụ thể, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 2 triệu lượt, giảm 6,4%, khách đến bằng đường bộ là 348.000 lượt người, tăng 1,3% và khách đến bằng đường biển 78.600 lượt người, giảm 3,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1,5 triệu lượt người, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2012; khách đến vì công việc 406.400 lượt, giảm 5,4%.
Về thị trường, khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ một số quốc gia như Trung Quốc đạt 547.500 lượt, tăng 6,7%; từ Hàn Quốc 280.100 lượt, tăng 2%; khách đến từ Úc 118.500 lượt tăng 6,8%; khách đến từ Nga 112.900 lượt, tăng 5,1%. Tuy nhiên, khách đến từ một số thị trường như Nhật Bản giảm 3,3% còn 205.000 lượt, khách đến từ Mỹ giảm 6,9% còn 165.200 lượt; khách đến từ Đài Loan 116.000 lượt, giảm 25,6%.
Từ 9/6 áp thuế suất thuế xuất khẩu 40% đối với một số quặng
Bộ Tài chính vừa có Thông tư sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng khoáng sản trong Biểu thuế xuất khẩu.
Theo đó, các mặt hàng quặng mangan và tinh quặng mangan, kể cả quặng mangan chứa sắt và tinh quặng mangan chứa sắt với hàm lượng mangan từ 20% trở lên tính theo trọng lượng khô; quặng đồng và tinh quặng đồng; quặng chì và tinh quặng chì; quặng kẽm và tinh quặng kẽm có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 30% lên 40%.
Còn đối với mặt hàng đá vôi trắng (đá hoa trắng) dạng khối có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 25% lên 30%.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/6/2013.
8.300 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường
Trong 4 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 495 nghìn lao động, đạt khoảng 20,9% kế hoạch.
Theo số liệu mới công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2013, cả nước có 23,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 123,38 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, có khoảng 8,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động bình thường.
Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 495 nghìn lao động, đạt khoảng 20,9% kế hoạch.
Tuy gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh và thị trường, song sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng ước tăng 5%.
Vinacomin sẽ khai thác thử nghiệm Bể than đồng bằng sông Hồng
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)sẽ triển khai thăm dò và khai thác thử nghiệm Bể than đồng bằng sông Hồng tại Thái Bình bằng công nghệ khí hóa than ngầm.
Tại Thái Bình, Vinacomin đang triển khai Chương trình phát triển Bể than đồng bằng sông Hồng. Để phục vụ Dự án khai thác thử nghiệm bể than bằng công nghệ khí hóa ngầm, tỉnh Thái Bình đã phê duyệt khu vực cấm hoạt dộng khoáng sản và khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khaongs sản. Phía Vinacomin đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình tổ chức khảo sát để đưa ra phương án lựa chọn địa điểm khai thác thử nghiệm than bằng công nghệ khí hóa than ngầm trên cơ sở các tài liệu tìm kiếm và thăm dò dầu khí tại Bể than đồng bằng sông Hồng.
Trước mắt, Vinacomin sẽ thực hiện một dự án thử nghiệm bằng công nghệ khí hóa than ngầm, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc khai thác thử nghiệm.
Thương mại Việt Nam-Tây Ban Nha vượt 2 tỷ EUR
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Tây Ban Nha năm ngoái đạt kỷ lục 2,003 tỷ euro, tăng 19,4% so với năm 2011, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu cao.
Theo thống kê sơ bộ của Hải quan Tây Ban Nha, trong năm 2012 Việt Nam xuất sang quốc gia châu Âu này hàng hóa trị giá 1,799 tỷ euro, tăng 23,8%, trong khi nhập khẩu đạt gần 204 triệu euro, giảm 9%.
Việt Nam xuất sang Tây Ban Nha phần lớn là điện thoại và các loại linh kiện, giày dép, càphê, hàng dệt may và thủy sản, và nhập chủ yếu là hải sản; sản phẩm hóa chất; máy móc, thiết bị, phụ tùng cơ khí; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; dược phẩm.
Trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam và Tây Ban Nha lần đầu tiên cán mốc 1 tỷ euro năm 2008 và tăng liên tục từ năm đó tới nay, trừ năm 2009, khi giao thương bị giảm nhẹ do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Philippines sẽ nhập 187.000 tấn gạo của Việt Nam
Chính phủ Philippines vừa quyết định nhập khẩu 187.000 tấn gạo loại hạt dài 25% tấm từ Việt Nam để bổ sung vào kho dự trữ quốc gia trước mùa mưa bão, thường bắt đầu ở nước này vào tháng 7 và kết thúc vào tháng 9 hàng năm.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Ủy ban Lương thực Quốc gia (NFA) của Philippines xem xét các đơn dự thầu từ Việt Nam và Thái Lan.
Theo Nhật báo Philippine Daily Inquirer (PDI), Philippines đã mời các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thỏa thuận về việc cung cấp gạo cho Philippines tham gia cuộc đấu thầu này. Tuy nhiên, chỉ có Việt Nam và Thái Lan tham gia cuộc đấu thầu được tổ chức vào ngày 3/4.
Theo Vinanet